Images
Images
  • Thứ Sáu, 23:14 28/10/2022
  • 603

TS.Phan Đăng Hưng - Giám đốc Trung tâm trình bày tham luận "Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội"

Sáng ngày 28/10, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động, tổng kết năm học 2021 – 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023. Tại hội nghị TS.Phan Đăng Hưng - Giám đốc Trung tâm trình bày tham luận "Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội"

Ngày nay sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) và internet đã hình thành một thế giới phẳng giúp cho cư dân trên toàn cầu có thể kết nối và chia sẻ kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại. Nhờ sự phát triển của CNTT và chuyển đổi số (CĐS) mà việc học tập thường xuyên và học tập suốt đời chưa bao giờ lại thuận lợi như thời điểm hiện nay.

Ở Việt Nam chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án liên quan đến CĐS như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Trong lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã phê duyệt đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.

TS.Phan Đăng Hưng - Giám đốc Trung tâm trình bày tham luận `Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội`TS.Phan Đăng Hưng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tham luận về nội dung: Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Đặc biệt, từ năm 2022 Chính phủ đã chọn ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số. Gắn với CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, của tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Giáo dục đào tạo là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Mục tiêu cần đạt được của CĐS là phải gắn với việc mở rộng cơ hội học tập, nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập, chi phí thấp cho mọi người dân.

Theo Công ty nghiên cứu và tư vấn hàng đầu Gartner cho thấy quá trình chuyển đổi số gồm các giai đoạn như sau: 1) chưa có ý tưởng gì; 2) có mong muốn chuyển đổi số; 3) thiết kế chuyển đổi số; 4) triển khai chuyển đổi số; 5) mở rộng phạm vi chuyển đổi số; 6) gặt hái kết quả chuyển đổi số.

Ở Việt Nam, hiện chưa bảng chỉ số chính thức đánh giá mức độ CĐS của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, căn cứ vào việc triển khai giáo dục trực tuyến trong đại dịch Covid-19, theo số liệu cuối năm 2020, có thể phỏng chừng 45% cơ sở giáo dục đại học đang ở giữa giai đoạn 3 và 4; còn lại 55% đang ở giai đoạn 1, 2 hoặc 3.

Trong những năm qua công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đã được lãnh đạo Nhà trường rất quan tâm. Điều này được thể hiện trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, trong chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, trong nhiệm vụ hàng năm. Kết quả triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số được thể hiện qua 3 nhóm:

1. Triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong quản lý:

Ưu điểm:Hệ thống đại học điện tử do Nhà trường tự phát triển đảm bảo tính thực tiễn, tính hệ thống và sự đồng bộ. Hệ thống với nhiều phân hệ đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực quản lý trong Nhà trường như: Đào tạo, khảo thí, nghiên cứu khoa học, công tác sinh viên, tài chính, tài sản, nhân sự…Hệ thống đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích cho giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động cũng như các bên liên quan.

Hạn chế:

Một số phân hệ được xây dựng khi yêu cầu bài toán đặt ra chưa đầy đủ hoặc có sự thay đổi về yêu cầu quản lý trong quá trình sử dụng cần được nâng cấp, làm mịn, bổ sung thêm các tiện ích để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của người sử dụng.

Giải pháp 1 tài khoản dùng chung (Single Sign-On - SSO) chưa được triển khai đầy đủ cho các hệ thống nên đôi khi còn gây bất tiện cho người dùng. (Email, egov, ĐHĐT, Thư viện, EOP).

2. Triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động dạy và học

Ưu điểm:Nhà trường đã ban hành kịp thời các văn bản như quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác xây dựng học liệu, tổ chức dạy học kết hợp/đào tạo từ xa. Triển khai các đợt tập huấn cho giáo viên về xây dựng chương trình đào tạo, học liệu cho giảng dạy theo hình thức kết hợp.

Hạn chế:Hệ thống quản lý học tập (LMS) chưa thân thiện, một số học liệu chưa được đầu tư kỹ lưỡng, chưa thực sự lôi cuốn người học.

3. Hạ tầng kỹ thuật triển khai ứng dụng CNTT và CĐS:

Ưu điểm: Hệ thống thiết bị mạng trục chính đồng bộ, kết nối cáp quang giữa các tòa nhà với tốc độ lên đến 10 Gbps. Hạ tầng trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp độ 2 (Tier 2), năng lực tính toán của hệ thống máy chủ, tủ đĩa có thể phục vụ 10.000 kết nối đồng thời. Số lượng máy tính phục vụ quản lý và đào tạo trên 3.500 bộ, cấu hình đáp ứng tốt yêu cầu và đảm bảo tính sẵn sàng cao.

Hạn chế: Băng thông kết nối internet quốc tế còn hạn chế, chưa đảm bảo tốc độ khi số người dùng đồng thời lớn. Chất lượng hệ thống mạng không dây ở một số khu vực chưa ổn định. Còn xuất hiện những khó khăn, thách thức trong vấn đề đảm bảo an toàn thông tin.

Trên cơ sở các số liệu, phân tích, nhận định ở trên TS. Phan Đăng Hưng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong Nhà trường:

Nâng cao nhận thức, tổ chức triển khai ứng dụng CNTT và CĐS

  1. Kiện toàn ban chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT và CĐS.
  2. Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn về ứng dụng CNTT và CĐS. Phân công rõ đơn vị/bộ phận phụ trách từng chỉ số cụ thể.
  3. Tổ chức phổ biến kế hoạch, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT và CĐS cho cán bộ quản lý, viên chức và sinh viên.

Triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong quản lý

  1. Chuẩn hóa, ban hành các quy trình, biểu mẫu phục vụ công tác quản lý. Tiếp tục hoàn thiện các phân hệ của Hệ thống Đại học điện tử, bổ sung thêm giải pháp chữ ký số trong quản lý hành chính, triển khai giải pháp SSO đảm bảo tính thuận tiện cho người sử dụng.
  2. Áp dụng AI, phân tích dữ liệu thu thập được về các hoạt động trong Nhà trường để đưa ra các khuyến nghị, dự báo, đề xuất các cải tiến cần thiết.

Đối với triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong dạy và học.

  1. Hoàn thiện các quy định về dạy, học, kiểm tra đánh giá khi triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong dạy và học.
  2. Tăng cường bồi dưỡng tập huấn cho giảng viên về phương pháp sư phạm số, phát triển học liệu số; trang bị kỹ năng số, phương pháp học tập cho người học.
  3. Nâng cấp hệ thống quản lý học tập (LMS) đảm bảo tính thân thiện, đáp ứng yêu cầu triển khai các phương pháp sư phạm số.
  4. Rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn phát triển học liệu số. Quan tâm đầu tư đến các học liệu số ứng dụng công nghệ thực tế ảo (AV/VR).
  5. Giảng viên cần chủ động, đầu tư thời gian và trí tuệ thỏa đáng cho công tác phát triển học liệu số các học phần do mình phụ trách có tính đến yếu tố sử dụng nhiều lần và giá trị mang lại khi chia sẻ trên môi trường số.

Đối với công tác đảm bảo hạ tầng, kỹ thuật

  1. Bổ sung băng thông kết nối internet theo yêu cầu thực tế, mở rộng phạm vi phủ sóng và đảm bảo chất lượng kết nối hệ thống mạng wifi.
  2. Bổ sung nhân sự, tăng cường đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cho công tác đảm bảo hạ tầng và an ninh, an toàn thông tin.

Các bài đã đăng